Một trong những thử thách lớn nhất đối với các cặp đôi là bị cha mẹ ngăn cấm, không cho yêu nhau, không đồng ý kết hôn. Hãy cùng 1Love phân tích nguyên nhân và tìm ra giải pháp để biết có nên yêu tiếp hay không và phải đấu tranh thế nào để cha mẹ thay đổi quan điểm nhé!
Đừng bao giờ xem nhẹ ý kiến của bố mẹ – những người đi trước
Bị gia đình ngăn cấm chuyện yêu đương hay cấm cản chuyện kết hôn chắc chắn là điều không ai muốn rơi vào. Nhưng thay vì nổi nóng hay tuyệt vọng, hãy cho bản thân một khoảng lặng để suy nghĩ thật kỹ. Bởi lẽ, cha mẹ là những người từng trải, đã đi qua nhiều va vấp cuộc sống mà chúng ta chưa từng biết đến. Họ có góc nhìn tỉnh táo của người ngoài cuộc – điều mà người đang yêu đôi khi không thể có.
Nên tìm hiểu nguyên nhân gia đình ngăn cấm tình yêu của bạn
Việc đầu tiên cần làm khi tình yêu bị ngăn cấm không phải là cãi lại, mà là nhìn lại. Hãy thử đặt mình vào vị trí của bố mẹ: liệu có điều gì ở mối quan hệ này khiến họ lo lắng đến vậy? Có khi, đó là sự bảo vệ âm thầm được thể hiện theo cách hơi cứng rắn mà thôi.
Và dù có đau lòng đến đâu, cũng xin đừng chọn cách tiêu cực như dùng tính mạng, hay mang thai để ép gia đình phải chấp nhận. Tình yêu thật sự không cần chứng minh bằng sự tuyệt vọng. Mà cần được bảo vệ bằng lý trí, sự trưởng thành và bản lĩnh kiên cường của chính bạn.
Nếu sau khi suy xét, bạn vẫn cảm thấy bố mẹ có phần hà khắc và tình cảm của mình là chính đáng, hãy tham khảo cách giải quyết cho từng trường hợp dưới đây.
Bị ngăn cấm vì “không môn đăng hộ đối”
Môn đăng hộ đối – khái niệm cổ xưa nhưng không hề lạc hậu khi áp dụng vào xã hội hiện đại. Đừng vội chê trách cha mẹ cổ hủ, bạn cần hiểu rằng nếu hai bên gia đình quá chênh lệch về kinh tế (bạn giàu còn người ấy quá nghèo hoặc ngược lại), chênh lệch học vấn (một người thạc sĩ, tiến sĩ còn người kia chưa học hết phổ thông) thì khi lập gia đình, nhất định sẽ tạo ra nhiều sóng gió.
Nếu gia đình bạn giàu, cha mẹ có thể lo sợ bạn bị lợi dụng vật chất, từ đó làm tổn thương tình cảm. Ngược lại, nếu nhà bạn nghèo, cha mẹ lo sợ bạn “trèo cao” ngã đau, bị nhà người yêu xem thường.
Bên cạnh đó, sự lệch pha học vấn cũng có thể khiến cuộc sống gia đình lục đục. Khi một người nói chuyện, người kia không hiểu vì quá cao siêu hoặc người học vấn thấp bị chê là thô tục, không biết nhìn xa trông rộng… Đây là lúc mâu thuẫn dễ xảy ra và khó giải quyết.
Quá chênh lệch giàu nghèo, học vấn cũng dễ bị ngăn cấm
Giải pháp:
Nếu bạn và người ấy quyết tâm đến với nhau, hãy chứng minh cho gia đình thấy sự chênh lệch này không ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai bạn. Bên cạnh đó, hãy tạo cơ hội để người ấy và gia đình tiếp xúc nhiều hơn, để bố mẹ thấy được tính cách, sự cầu tiến và tấm lòng của người yêu bạn, từ đó thay đổi quan điểm.
Bên cạnh đó, hãy cùng nhau nỗ lực để gia đình thấy bạn không yêu mù quáng, hai người có định hướng tương lai rõ ràng.
Gia đình không cho cưới vì chênh lệch tuổi tác
Cặp đôi chênh lệch tuổi tác quá nhiều hoặc không hợp tuổi cũng dễ khiến gia đình cấm cản. Nỗi sợ một người quá già và một người quá trẻ sẽ khiến tình cảm khó bền vững. Hơn nữa, tuổi tác còn liên quan đến khả năng sinh con, nếu bạn gái nhiều tuổi, bố mẹ sẽ khó chấp nhận.
Giải pháp:
Để được sự đồng ý của gia đình, hãy cho bố mẹ thấy tuổi tác không ảnh hưởng đến sự trưởng thành và sự kết nối cảm xúc giữa hai bạn. Có thể chia sẻ những câu chuyện thành công của các cặp đôi lệch tuổi nhưng bền vững để gia đình yên tâm. Quan trọng nhất: hãy sống thật hạnh phúc để gia đình thấy nỗi lo của họ là… hơi thừa.
Bị phản đối kết hôn vì người yêu từng đổ vỡ hôn nhân, có con riêng
Chẳng ai muốn con mình cưới một người từng ly hôn hoặc có con riêng. Đây là tâm lý rất thường thấy của các bậc làm cha làm mẹ. Một người “có quá khứ” sẽ mang theo vết thương lòng khi đến với bạn, khó xây dựng hạnh phúc. Cha mẹ cũng sợ “tình cũ không rủ cũng đến” và bạn bị tổn thương.
Thậm chí, vấn đề nuôi dạy con riêng của vợ/chồng cũng rất phức tạp, dễ tạo ra mâu thuẫn gia đình và điều tiếng cho bạn. Lúc này, cha mẹ sẽ hướng bạn đến những mối quan hệ “sáng sủa” hơn thay vì “đâm quàng bụi rậm”.
Không ít gia đình phản đối khi biết “quá khứ” của người yêu
Giải pháp:
Cần phải cho bố mẹ biết bạn hiểu rõ và sẵn sàng chấp nhận quá khứ của người ấy, đồng thời chứng minh người ấy là người trưởng thành, có trách nhiệm và nghiêm túc trong tình cảm, nhấn mạnh sự thay đổi và trưởng thành của người ấy sau cuộc hôn nhân thất bại.
Ngoài ra, cần rõ ràng về vai trò của bạn trong việc chăm sóc hoặc hỗ trợ con riêng, đồng thời đảm bảo gia đình hiểu rằng bạn sẵn sàng chấp nhận. Đừng quên cho cha mẹ thời gian để chấp nhận và hiểu rõ hơn về mối quan hệ.
Gia đình phản đối vì người yêu chưa có công việc ổn định
Khi yêu, tiền không phải vấn đề nhưng khi kết hôn, tài chính là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nếu người yêu của bạn thất nghiệp hoặc không có công việc ổn định, không đáng tin cậy thì gia đình lo lắng và phản đối là điều dễ hiểu.
Giải pháp:
Hai bạn cần có một kế hoạch nghề nghiệp cụ thể, cho thấy người yêu đang nỗ lực (học thêm, làm freelance, khởi nghiệp…) và hoàn toàn có thể cải thiện trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu tài chính của cả hai thực sự không ổn, hãy tạm gác lại chuyện cưới xin cho đến khi ổn định.
Bị ngăn cấm vì hoàn cảnh gia đình người yêu phức tạp (bố mẹ ly hôn, ngoại tình, yêu đương nhiều…)
Các cụ nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”- đây là lý do bố mẹ sợ người yêu của bạn cũng có “gen lăng nhăng”, sợ con mình bị cắm sừng, sợ cả hai dễ ly hôn. Hơn nữa, khoa học cũng cho thấy những người có cha mẹ ly hôn cũng có tỷ lệ ly hôn cao hơn. Nỗi lo về việc đi theo “vết xe đổ” của gia đình có thể làm gia đình bạn lo ngại.
Hoàn cảnh gia đình người yêu phức tạp cũng là lý do tình yêu bị phản đối
Giải pháp:
Hãy thẳng thắn nói với bố mẹ rằng quá khứ của gia đình người yêu không đồng nghĩa với tương lai của hai bạn và cho bố mẹ thấy người ấy trân trọng tình yêu, biết cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Quan trọng là phải nhìn nhận cách người ấy đối xử với bạn.
Bị gia đình cấm vì yêu người cùng giới
Tình yêu đồng giới không còn xa lạ nhưng không phải bậc làm cha mẹ nào cũng dễ dàng chấp nhận việc con mình yêu và muốn kết hôn với một người cùng giới tính. Ai cũng mong muốn con mình có cuộc sống, tình yêu bình thường, thuận theo tự nhiên cả.
Không phải bố mẹ nào cũng chấp nhận con mình yêu người cùng giới
Giải pháp:
Nếu bạn thực sự bị hấp dẫn bởi người cùng giới thì cần nói rõ cho bố mẹ hiểu. Có thể bố mẹ sẽ không chấp nhận ngay, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, hãy chinh phục bố mẹ bằng tình cảm và bằng cuộc sống hạnh phúc giữa bạn và người ấy.
Gia đình ngăn cấm vì khác tôn giáo, khác biệt văn hóa
Sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng dễ gây xung đột trong đời sống hôn nhân hoặc việc nuôi dạy con cái. Sự khác biệt về phong tục, tập quán có thể khiến gia đình cảm thấy khó chấp nhận, sợ bị xã hội đánh giá.
Giải pháp:
Cả hai cần thống nhất cách tôn trọng tín ngưỡng và văn hóa của nhau, đồng thời giải thích điều này với gia đình, đồng thời tạo cơ hội mời gia đình tham gia các sự kiện văn hóa hoặc tôn giáo của người yêu để tăng sự hiểu biết và thân thiện. Nhấn mạnh những giá trị chung giữa hai bên, chẳng hạn tình yêu gia đình, sự chân thành, để gia đình cảm thấy yên tâm.
Khác biệt tôn giáo dễ là nguyên nhân khó đến với nhau
Thấu hiểu khó khăn này, 1Love có với năng hiển thị thông tin tôn giáo (tên thánh, giáo xứ, giáo phận) ra đời, giúp người cùng tôn giáo dễ nhận ra nhau, tìm thấy nhau.
Xây dựng tình yêu với những người cùng giá trị tinh thần và quan điểm sống sẽ tránh được rủi ro bị gia đình ngăn cản, bạn không cần phải lo lắng xem nên chọn lựa gia đình hay tình yêu. Tình yêu chỉ có cái kết hoàn hảo khi có sự chúc phúc từ cả hai bên gia đình.
Dù sao thì mục đích cuối cùng của việc cha mẹ ngăn cấm tình yêu của bạn là vì muốn tốt cho tương lai, cuộc sống của bạn, mặc dù cách làm có thể đôi khi không thỏa đáng. Hãy hiểu, thông cảm và tìm cách đúng đắn để thuyết phục cha mẹ thay đổi suy nghĩ bạn nhé.