Dù biết trước “trai hư” sẽ mang đến tổn thương, không ít cô gái, kể cả người thông minh, giỏi giang, độc lập, vẫn lao vào tình yêu như con thiêu thân. Điều đáng nói là họ không chỉ mê, mà còn tin tưởng mãnh liệt rằng: “Mình có thể cảm hóa được anh ấy.”
“Trai hư” có sức hút bản năng: Sự bất trị tạo nên sức quyến rũ
Vậy điều gì khiến hội chị em dễ xiêu lòng trước những chàng trai nổi loạn, bất kham? Và vì sao họ lại mơ mộng biến một “bad boy” thành một chàng trai lý tưởng?
Không ít cô gái từng rơi vào tình cảnh trớ trêu: biết rõ người ấy không tốt, nhưng vẫn không thể dứt ra. Ngược lại, họ còn tin chắc rằng “chỉ cần yêu đủ nhiều, mình sẽ khiến anh ấy thay đổi.” Dù là người dịu dàng hay cá tính, thành đạt hay mộng mơ – nhiều cô gái vẫn dễ bị “bad boy” hút vào như một cơn lốc cảm xúc khó cưỡng.
Không ít cô gái thích vẻ đẹp bản năng và bất trị
Khoa học đã chứng minh: những người đàn ông có đặc điểm tự yêu mình, ưa thao túng và bất cần quy tắc xã hội thường thu hút mạnh mẽ trong mắt phụ nữ. Họ tiết ra nhiều testosterone hơn, thể hiện qua dáng đi tự tin, ánh mắt lạnh lùng, thái độ bất cần nhưng… đầy hấp dẫn.
Họ sống tự do, không ràng buộc, nói điều họ nghĩ, làm điều họ muốn – và điều đó khiến người khác giới cảm thấy họ rất đàn ông, rất “alpha”. Sức hút của trai tồi không đến từ những hành vi tốt, mà đến từ năng lượng sống mãnh liệt, phiêu lưu và không dễ kiểm soát. Trong mắt phụ nữ, đó là cảm giác “nguy hiểm nhưng đáng để thử”.
Phụ nữ bị hấp dẫn bởi điều mà họ không có
Tâm lý học chỉ ra, chúng ta bị thu hút bởi những phẩm chất mà mình thiếu hoặc đã bị kìm nén quá lâu. Một cô gái sống trong môi trường gia đình nghiêm khắc, luôn phải ngoan ngoãn, đúng mực… sẽ bị ấn tượng mạnh với một người phá cách, bất cần, sống theo bản năng. Anh ta giống như cánh cửa mở ra một thế giới tự do mà cô chưa bao giờ dám bước vào.
Điều này không đơn thuần là “yêu nhầm người xấu”, mà là một hành trình cá nhân hóa. Cô gái ấy đang sống hộ phần nổi loạn của chính mình thông qua một người đàn ông dám thể hiện điều đó công khai.
Cảm giác được “chọn” khiến nàng cảm thấy đặc biệt
Bad boy luôn có nhiều “vệ tinh” xung quanh. Nhưng nếu anh ấy chọn bạn – người bình thường sẽ cảm thấy: “Mình là người duy nhất khiến anh ấy dừng lại.” Đó là ảo tưởng quyền lực cảm xúc. Phụ nữ không chỉ yêu bad boy, mà còn say mê chính cái suy nghĩ: “Mình là ngoại lệ.”
Khi bạn tin rằng tình yêu của mình đủ lớn để cảm hóa một người, bạn đang vô thức đặt bản thân vào vị trí “vị cứu tinh” trong câu chuyện của họ. Nhưng tình yêu không phải là bài thi để bạn chứng minh mình giỏi đến đâu.
Phái nữ sẽ cảm thấy mình đặc biệt khi “được” trai hư yêu
Tin rằng tình yêu có thể chữa lành quá khứ của người kia
Một số cô gái có lòng trắc ẩn, họ dễ bị động lòng trước những câu chuyện quá khứ đau thương mà bad boy kể ra. Từ một người tổn thương, anh ta trở thành một chàng trai “cần được yêu thương và chăm sóc”.
Cô ấy tin: “Mình sẽ là người bù đắp cho tất cả những tổn thương mà anh đã trải qua.” Thế nhưng, sự thật là không phải ai cũng muốn chữa lành. Và đôi khi, chính quá khứ ấy được dùng như một “cái cớ” để họ lặp lại các hành vi tệ bạc. Đừng để lòng tốt của bạn bị lợi dụng như một tấm khiên cho sự độc hại của người khác.
Tâm lý muốn che chở khiến phụ nữ dễ rơi vào bẫy cảm xúc
Nhiều người đàn ông hư rất giỏi kể khổ, rất giỏi gợi lên sự thương hại. Họ biết cách khiến người khác cảm thấy… tội nghiệp cho anh ấy. Và phụ nữ, vốn dĩ có xu hướng “mẹ tính” trong tình yêu – lại dễ rơi vào chiếc bẫy ngọt ngào này.
Họ nghĩ rằng: “Nếu mình đủ kiên nhẫn, đủ bao dung, anh ấy sẽ thay đổi.” Đây là hội chứng “cứu rỗi” – trong đó một người nghĩ rằng họ có thể sửa chữa người kia bằng tình yêu. Nhưng mối quan hệ lành mạnh không nên bắt đầu bằng việc “em cứu anh khỏi quá khứ của chính anh”, mà bằng sự trưởng thành tự thân từ cả hai phía.
Cảm xúc lên xuống thất thường khiến bạn “nghiện tình yêu”
Bạn biết những khoảnh khắc anh ta dịu dàng bất ngờ? Tin nhắn lúc 2 giờ sáng, cái ôm thật chặt giữa lúc bạn định buông? Đó là những liều “dopamine” cảm xúc khiến bạn không thể dứt ra khỏi vòng lặp độc hại.
Tiến sĩ Helen Fisher gọi hiện tượng này là “frustration-attraction” – khi sự thất thường, lạnh – nóng xen kẽ khiến bạn không thể đoán trước được, từ đó làm tăng cảm giác say mê. Chính sự không ổn định tạo nên cơn nghiện cảm xúc. Bạn không yêu anh ta vì anh ấy tốt – mà bạn nghiện cảm giác “chờ đợi để được yêu”.
Ảo tưởng có thể khiến trai tồi “cải tà quy chính”
Niềm tin “mình có thể thay đổi anh ấy” là một ảo tưởng
Cuối cùng, rất nhiều phụ nữ tin rằng tình yêu thật sự có thể cảm hóa cả thế giới. Nhưng sự thật là: “Người không muốn thay đổi thì sẽ không bao giờ thay đổi và người chỉ thay đổi để giữ bạn, rồi sẽ trở lại như cũ khi bạn yên tâm ở lại.”
Bạn không thể biến một con sói thành cún cưng bằng cách ôm ấp. Bạn chỉ đang dạy nó rằng: “Cứ làm tổn thương tôi đi, tôi vẫn sẽ ở lại.” Yêu “trai hư” có thể vui đấy, nhưng niềm vui ấy ngắn ngủi và thường để lại dư vị đắng. Cảm xúc là thật, tình yêu là thật, nhưng sự tổn thương cũng thật không kém.
Tình yêu có thể bao gồm cả sự hy sinh nhưng quan trọng là người đó phải xứng đáng xứng đáng với những hy sinh ấy. Đừng mải mê cảm hóa ai đó đến mức đánh mất bản thân. 1Love tin rằng, luôn có một tình yêu xứng đáng đang đợi bạn.