Bị quấy rối tình dục và tấn công tình dục là nỗi ám ảnh âm thầm của nhiều người. Những ánh mắt soi mói, lời nói khiếm nhã có thể gây tổn thương, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự an toàn cá nhân. Hãy cùng nhận diện hành vi quấy rối và cách bảo vệ bản thân.
Thế nào là quấy rối tình dục, tấn công tình dục?
Quấy rối tình dục là hành vi mang tính chất tình dục của một người đối với người khác mà không được người đó chấp nhận, gây xúc phạm, ảnh hưởng đến nhân phẩm của đối phương. Quấy rối tình dục hay “gạ tình” có thể xảy ra ở bất cứ đâu, chẳng hạn như nơi làm việc (quấy rối nơi công sở), ngoài xã hội, trong gia đình… tạo ra môi trường đáng sợ và bất ổn.
Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở công sở, trong gia đình, nhà trường
Tấn công tình dục (Sexual Assault) là bất kỳ hành vi tình dục hoặc gợi dục nào làm cho người khác khó chịu, bị đe dọa hay sợ hãi. Nạn nhân của tấn công tình dục có thể là người lớn và trẻ em, phụ nữ hoặc nam giới…
Tấn công tình dục còn được gọi là lạm dụng tình dục hoặc bạo hành tình dục, hiếp dâm. Kẻ thực hiện tấn công tình dục gọi là tội phạm tình dục.
Phân biệt quấy rối tình dục – tấn công tình dục – bạo lực tình dục
Quấy rối tình dục (Sexual Harassment) là những hành vi có tính chất tình dục bằng lời bình luận khiếm nhã, ánh mắt soi mói, cử chỉ gây khó chịu, phiền hà cho đối phương. Đây là mức độ nhẹ nhất, thông thường sẽ bị xử phạt hành chính hoặc yêu cầu bồi thường.
Quấy rối, tấn công và bạo lực tình dục khác nhau ở mức độ nghiêm trọng
Tấn công tình dục (Sexual Assault) là hành vi nghiêm trọng hơn, cố ý chạm vào cơ thể, tiếp xúc tình dục trái ý muốn của người khác, chẳng hạn như cố tình vuốt ve, cưỡng ép ôm, hôn, thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Đây là hành vi phạm tội hình sự, có thể bị truy tố, chịu án phạt tù.
Bạo lực tình dục (Sexual Violence) bao gồm tất cả các hành vi quấy rối, lạm dụng, xâm hại và tấn công tình dục, là tội phạm hình sự nghiêm trọng.
Những hành vi bị coi là quấy rối tình dục
Quấy rối và tấn công tình dục là hành vi xâm phạm quyền tự do và nhân phẩm của người khác, được thể hiện qua nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là những hành vi phổ biến bị coi là quấy rối tình dục:
Cố tình cưỡng ép sờ mó, ôm ấp là hành vi quấy rối
Hành vi tác động đến thể chất
Cố tình đụng chạm, tiếp xúc cơ thể khi đối phương không đồng ý.
Sờ mó, ôm ấp, cấu véo, thậm chí là tấn công hoặc cưỡng ép.
Hành vi tấn công tình dục hoặc cưỡng bức quan hệ.
Quấy rối bằng lời nói
Phát ngôn khiếm nhã, nhạy cảm, có ý đồ tình dục.
Đề nghị hoặc yêu cầu quan hệ tình dục một cách liên tục, dù đối phương từ chối.
Tung tin đồn hoặc nói dối về đời sống tình dục cá nhân của người khác.
Những câu hỏi hoặc bình luận không phù hợp về cơ thể, ngoại hình hoặc quần áo của đối phương.
Lời nói khiếm nhã cũng là hành vi quấy rối tình dục
Hành vi phi lời nói
Ánh mắt soi mói, huýt sáo, nháy mắt hoặc tiếng chép môi mang tính chất gợi dục.
Thực hiện các cử chỉ tay, động tác cơ thể với ý đồ tình dục.
Cố tình để lộ những phần cơ thể nhạy cảm, phô dâm hoặc thủ dâm trước mặt người khác.
Gửi hình ảnh, video, tin nhắn hoặc email mang tính khiêu dâm mà không được sự đồng ý.
Nhiều hành động khiếm nhã cũng là quấy rối
Kêu gọi hoặc ép buộc ủng hộ tình dục
Dùng quyền lực hoặc các hình thức đe dọa, cưỡng ép để buộc người khác đồng ý với yêu cầu tình dục.
Phô bày tài liệu khiêu dâm
Chia sẻ hoặc trưng bày hình ảnh, video, tài liệu khiêu dâm tại nơi công cộng hoặc môi trường làm việc.
Các hành vi trên đều không chỉ gây tổn hại về mặt tâm lý mà còn có thể vi phạm pháp luật. Việc nhận thức đúng và lên tiếng kịp thời là vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nếu bạn hoặc bất kỳ ai bị quấy rối tình dục, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng hoặc tổ chức hỗ trợ.
Quấy rối tình dục khiến nạn nhân lo lắng, bất an
Quấy rối tình dục có thể xảy ở bất cứ nơi đâu
Quấy rối tình dục không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, mà có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và với bất kỳ ai.
- Trên các nền tảng mạng xã hội: Nhắn tin, bình luận khiếm nhã, gửi hình ảnh hoặc nội dung khiêu dâm không mong muốn.
- Qua email hoặc các ứng dụng nhắn tin: Gửi tài liệu, video nhạy cảm hoặc những lời nói gạ gẫm.
- Trong các diễn đàn trực tuyến hoặc trò chơi online: Sử dụng ngôn ngữ xúc phạm, có ý đồ tình dục.
- Trên đường phố: Nháy mắt, huýt sáo, hoặc dùng ánh mắt soi mói cơ thể người khác.
- Trong các phương tiện giao thông công cộng: Lợi dụng không gian chật hẹp để cố tình tiếp xúc cơ thể.
Hành vi quấy rối tính dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu
- Tại nhà hàng, quán bar, hoặc các sự kiện đông người: Những hành vi khiếm nhã trong lúc tương tác.
- Trong văn phòng: Giao tiếp bằng lời hoặc hành động không phù hợp trong giờ làm việc.
- Ở các buổi họp, sự kiện công ty: Lợi dụng cơ hội giao lưu để tiếp cận hoặc quấy rối.
- Tại hành lang, cầu thang, hoặc không gian ít người qua lại: Các hành vi tấn công thể chất hoặc lời nói quấy rối.
- Trong lớp học: Lời nói, cử chỉ không đúng mực giữa giáo viên và học sinh, hoặc giữa các bạn học.
- Tại khu vực vắng như hành lang, nhà vệ sinh, sân sau: Quấy rối bằng hành động hoặc lời nói.
- Trên các nhóm chat học đường: Gửi tin nhắn, hình ảnh nhạy cảm hoặc xúc phạm qua mạng.
- Các cuộc trò chuyện ngoài giờ làm việc: Dù là ở quán cà phê hay tại nhà riêng, nếu lời nói hoặc hành vi có tính chất quấy rối, đó đều được coi là quấy rối tình dục.
- Hoạt động xã hội hoặc sự kiện công cộng: Lợi dụng đám đông hoặc cơ hội giao lưu để quấy rối.
Quấy rối tình dục có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu khi đối tượng xâm phạm có cơ hội. Vì vậy, hãy luôn nâng cao nhận thức, giữ vững sự tỉnh táo và đừng ngần ngại lên tiếng khi cần thiết!
Giới tính nào cũng có thể bị quấy rối
Quấy rối tình dục bị pháp luật xử lý thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi quấy rối tình dục có thể bị xử lý hành chính với mức phạt: Hành vi khiếm nhã hoặc xúc phạm người khác. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Áp dụng cho các hành vi nhỏ lẻ, không gây tổn hại nghiêm trọng nhưng vi phạm chuẩn mực xã hội.
Nếu hành vi quấy rối tình dục xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội làm nhục người khác, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc đến 5 năm nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm nạn nhân tự sát…)
Nên làm gì khi bị quấy rối, tấn công tình dục?
Nếu bạn gặp phải quấy rối hoặc tấn công tình dục, việc phản ứng nhanh chóng và hiệu quả là rất quan trọng để bảo vệ bản thân và đảm bảo công lý được thực thi. Hãy bình tĩnh và thực hiện theo các bước dưới đây:
Bình tĩnh và kiên quyết yêu cầu đối tượng dừng lại bằng giọng nói rõ ràng, dứt khoát. Nếu cần, hãy tự vệ một cách an toàn, tránh làm tổn thương bản thân thêm.
Cần bình tĩnh và kiên quyết khi bị người khác quấy rối
Tìm kiếm sự hỗ trợ gần nhất, báo cáo sự việc với người có thẩm quyền tại nơi làm việc, trường học, hoặc cơ quan chính quyền. Nếu bạn cảm thấy bị đe dọa tính mạng, hãy gọi các số khẩn cấp (113, 114, 115) để được hỗ trợ ngay lập tức.
Thu thập thông tin, ghi lại bằng chứng chi tiết sự việc (thời gian, địa điểm, hành vi, danh tính của đối tượng nếu biết). Ghi lại tin nhắn, email, hình ảnh hoặc quay video nếu có thể.
Nếu có người chứng kiến sự việc, hãy yêu cầu họ hỗ trợ làm chứng.
Nhờ sự giúp đỡ từ người thân hoặc bạn bè, tâm sự với người bạn tin tưởng, nhờ họ giúp đỡ hoặc đi cùng bạn khi báo cáo sự việc. Có người đồng hành sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn và mạnh mẽ hơn.
Liên hệ với các tổ chức hỗ trợ phụ nữ, trẻ em hoặc nạn nhân bị xâm hại để nhận tư vấn và bảo vệ.
Nếu bị tấn công tình dục, đến cơ sở y tế ngay để kiểm tra và điều trị kịp thời.
- Phụ nữ: Đi khám phụ khoa để kiểm tra chấn thương, phòng tránh thai khẩn cấp (trong 72 giờ nếu cần), và xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục.
- Nam giới: Khám tại khoa tiết niệu, da liễu, hoặc nam khoa để điều trị tổn thương và xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục.
Hãy lưu giữ bằng chứng bị quấy rối
Bảo vệ bằng chứng y khoa, không tắm rửa hoặc thay quần áo trước khi khám để giữ lại bằng chứng cần thiết nếu bạn quyết định tố cáo.
Đến công an hoặc cơ quan pháp lý gần nhất để nộp đơn tố cáo. Nộp kèm bằng chứng bạn đã thu thập được để hỗ trợ quá trình điều tra.
Nếu cảm thấy không an toàn, hãy tạm rời khỏi nơi làm việc, nơi ở hoặc trường học mà hành vi quấy rối xảy ra.
Phải làm gì nếu gặp nạn nhân của quấy rối tình dục xin giúp đỡ?
Nếu gặp một nạn nhân của quấy rối tình dục tìm đến bạn để xin giúp đỡ, hãy tạo một môi trường an toàn và đồng cảm để họ cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ
Lắng nghe mà không phán xét:
- Hãy để họ kể câu chuyện theo cách họ muốn mà không ngắt lời hay chất vấn.
- Tránh hỏi các câu như: “Tại sao bạn không phản kháng?” hoặc “Chuyện xảy ra ở đâu, khi nào?” vì điều đó có thể khiến họ cảm thấy bị đổ lỗi.
Thể hiện sự đồng cảm, nhấn mạnh rằng họ đã rất dũng cảm khi chia sẻ câu chuyện.
Gợi ý việc đi cùng họ đến cơ sở y tế, tổ chức hỗ trợ, hoặc cơ quan pháp luật. Không ép buộc nạn nhân làm bất cứ điều gì họ chưa sẵn sàng, như báo cảnh sát hoặc chia sẻ thông tin. Nếu họ không muốn tiết lộ sự việc, hãy cam kết giữ bí mật.
Đừng bao giờ đổ lỗi cho nạn nhân bị quấy rối
Nhắc nhở rằng họ không đáng phải chịu những gì đã xảy ra. Không nên thúc giục họ hành động ngay lập tức, hãy để họ có thời gian suy nghĩ và quyết định.
Nếu nạn nhân quyết định báo cáo, bạn có thể hỗ trợ họ trong việc trình bày bằng chứng hoặc làm việc với cơ quan chức năng.
Kiểm tra tình trạng của họ thường xuyên bởi họ có thể cần thời gian dài để hồi phục.
Vai trò của bạn không phải là giải quyết toàn bộ vấn đề mà là tạo một điểm tựa đáng tin cậy để nạn nhân cảm thấy được an ủi và có thêm sức mạnh vượt qua tình huống khó khăn này
Các câu hỏi thường gặp về quấy rối, bạo lực tình dục
Nam giới hay nữ giới dễ trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục?
Nữ giới thường có tỷ lệ bị quấy rối tình dục cao hơn, theo nhiều nghiên cứu. Điều này có thể là do nữ giới thường sẵn sàng báo cáo để tìm kiếm sự hỗ trợ và cã hội có xu hướng nhìn nhận nữ giới dễ bị tổn thương hơn.
Nam giới cũng có thể là nạn nhân, nhưng họ thường im lặng và chịu đựng do lo ngại không nhận được sự đồng cảm, áp lực từ định kiến giới, khiến họ sợ bị xem là yếu đuối.
Một nghiên cứu từ Marketplace Edison chỉ ra rằng, vai trò giới chính là rào cản lớn, làm giảm khả năng nam giới báo cáo khi bị quấy rối.
Đeo bám người yêu cũ cũng là quấy rối tình dục
Nếu người từng hẹn hò đeo bám, đó có phải là quấy rối tình dục?
Nếu họ thường xuyên tán tỉnh, trêu chọc với ngụ ý tình dục mà bạn không đồng ý, gợi ý quan hệ tình dục hoặc cố tình xâm phạm ranh giới của bạn thì được xem là quấy rối tình dục, đặc biệt nếu bạn đã từ chối rõ ràng nhưng họ vẫn tiếp tục đeo bám.
Nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Các hành vi dưới đây có thể là dấu hiệu quấy rối tình dục ở môi trường công sở:
- Những trò đùa, bình luận với ngụ ý tình dục.
- Nhìn chằm chằm, liếc mắt hoặc thể hiện ngôn ngữ cơ thể không phù hợp.
- Đụng chạm cơ thể không mong muốn, như đặt tay lên vai, lưng mà không được phép.
- Gửi tin nhắn hoặc email khiêu dâm, có nội dung tình dục.
- Cố tình thân mật quá mức, vượt qua ranh giới cá nhân mà bạn đã thiết lập.
Bất kỳ hành vi nào khiến bạn cảm thấy không thoải mái, xúc phạm, hoặc bị đe dọa đều có thể được xem là quấy rối tình dục, đặc biệt khi nó gây ảnh hưởng đến lòng tự trọng, hiệu quả công việc hoặc môi trường làm việc của bạn.
Quấy rối tình dục không phải là lỗi của nạn nhân. Dù trong hoàn cảnh nào, hành vi sai trái luôn xuất phát từ kẻ quấy rối, và không ai đáng phải chịu những điều đó. Hy vọng thông tin 1Love chia sẻ sẽ giúp bạn giảm thiểu bị quấy rối và có cách xử lý đúng đắn khi bị quấy rối tình dục.
Tác giả: Hải Đình